Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số

Việc tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn cho dù đã có sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các bên liên quan.

Mar 27, 2024 - 14:23
Agri-Fintech: Giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp của kỉ nguyên số
Tóm tắt: Việc tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn cho dù đã có sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các bên liên quan. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề này có thể được giải quyết bằng những giải pháp từ chuyển đổi số, đặc biệt khi ứng dụng các nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Bài viết phân tích vai trò của các nền tảng Fintech trong nông nghiệp (Agri-Fintech), đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp cho sự phát triển hoạt động tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.
 
Từ khóa: Fintech, tài chính nông nghiệp, chuỗi giá trị, chuyển đổi số.
 
AGRI-FINTECH: SOLUTIONS FOR IMPROVING THE EFFECTIVENESS OF FINANCIAL SPONSORSHIP IN THE AGRICULTURAL SECTOR IN THE DIGITAL ERA

Abstract: Financial sponsorship of the agricultural sector in Vietnam in recent times has always faced many difficulties despite the efforts of the Government, ministries, and relevant parties. In the context of the Fourth Technology Revolution, this issue can be solved with solutions from digital transformation, especially when applying Fintech platforms in the agricultural sector. This article analyzes the role of financial technology platforms in agriculture (Agri-Fintech), propose a number of recommendations and solutions for the development of financial sponsorship activities for the agricultural sector in Vietnam in the coming time.
 
Keywords: Fintech, agricultural finance, value chain, digital transformation.
 
1. Đặt vấn đề
 
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Khoảng 30% GDP ở các nước đang phát triển đến từ nông nghiệp, cùng với sự đóng góp bổ sung từ ngành công nghiệp dựa vào nông nghiệp. Nhu cầu về thực phẩm được dự đoán sẽ tăng 60% vào năm 2050 do dân số toàn cầu ngày càng tăng. Để tăng lượng đóng góp của nông nghiệp vào GDP, cần thâm dụng vốn nhiều hơn để tăng năng suất và xuất khẩu. Chính vì vậy, những rủi ro tài chính sẽ tăng lên, từ đó, cần các phương tiện, giải pháp giảm thiểu những rủi ro này.
 
Đáp ứng nhu cầu tín dụng và quản lí rủi ro là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp thường đối mặt với các yếu tố khó khăn về tài chính liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bao gồm nhu cầu nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ tài chính, ngân hàng liên quan. Có rất nhiều trở ngại mà tổ chức tài chính phải vượt qua để cung cấp tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, sự ra đời của Fintech đã dẫn đến những cách tiếp cận sáng tạo trong việc giải quyết khó khăn về cung ứng tín dụng, tài sản thế chấp, định giá và quản lí rủi ro, cũng như quản lí chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều khía cạnh của nông nghiệp đang được thay đổi bởi sự phát triển của Fintech vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính. Việc sử dụng điện thoại thông minh đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến cách nông dân thu thập thông tin thị trường, kết nối với người mua và thiết lập thương hiệu của họ để nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi. 
 

Thuật ngữ Agri-Fintech dùng để chỉ việc áp dụng Fintech vào lĩnh vực nông nghiệp. Agri-Fintech được sử dụng để cải thiện khả năng tiếp cận tài sản thế chấp của nông dân và mở ra cơ hội đối với các hình thức cho vay mới, không cần tài sản bảo đảm; cải thiện giá trị gia tăng, tiếp cận thị trường xuất khẩu, tăng năng suất lao động, đa dạng hóa và chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực năng suất cao hơn... nhằm củng cố vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế. Agri-Fintech sẽ thúc đẩy khả năng tự động hóa trong xử lí để đạt được những mục tiêu ở trên, đồng thời giảm thiểu những rủi ro phức tạp liên quan đến hoạt động của thị trường thế giới. Có nhiều cách để Agri-Fintech giúp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính trong nông nghiệp, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Với việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn, các tổ chức tài chính có thể thu hẹp phạm vi tiếp cận tín dụng của mình tốt hơn tới những người đi vay đủ điều kiện và tăng khả năng tiếp cận các khoản vay không có bảo đảm. Dưới những tác động đó, các quốc gia đang phát triển và ngay cả các khu vực kém phát triển khác cũng có thể tận dụng công nghệ di động, kĩ thuật số để thúc đẩy năng suất nông nghiệp theo những cách làm mới. Trong xu thế đó, việc nhận thức về vai trò và nghiên cứu các giải pháp phát triển những nền tảng Agri-Fintech để góp phần nâng cao hiệu quả tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới là rất cần thiết.
 
2. Vai trò của Agri-Fintech trong việc thúc đẩy tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp

Agri-Fintech đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của chuỗi giá trị nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung tại các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt khi giải quyết vấn đề về tổ chức sản xuất nông nghiệp cho đối tượng có quy mô sản xuất nhỏ cũng có có thể được hưởng lợi nhiều nhất. Với cách tiếp cận này, Agri-Fintech đưa ra những thay đổi cơ bản, hỗ trợ cho sự phát triển và tăng cường hiệu quả tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp theo những cách sau:
 
Thứ nhất, Agri-Fintech tăng cường hiệu quả tài trợ tài chính cho chuỗi giá trị nông nghiệp
 
Tài trợ chuỗi giá trị nông nghiệp là một trong những phương thức cấp vốn sáng tạo để cải thiện quy trình kinh doanh của ngành nông nghiệp. Các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ không chỉ cần tiếp cận với tài chính và công nghệ mà còn cần tiếp cận với các tác nhân khác trong chuỗi như nhà môi giới, thương nhân và tổ chức tài chính để tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất, chế biến, tiếp thị và phân phối sản phẩm (Meyer, 2007). Mỗi chuỗi giá trị có những rủi ro, lợi nhuận và cơ chế tài chính khác nhau, vì vậy đòi hỏi có công cụ tài chính để đạt được tác động xã hội và lợi nhuận tối ưu (Shwedel, 2007). Trong số đó, cung cấp dịch vụ tiếp cận tài chính chỉ là một trong những dịch vụ được cung cấp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, bên cạnh đó còn có thông tin thị trường, xác định thị trường, tiếp thị và chính sách… Các dịch vụ tài chính này được cung cấp cho các tác nhân trong chuỗi giá trị được điều chỉnh dựa trên quy trình theo chiều dọc và chiều ngang, dẫn đến giảm chi phí và rủi ro, đồng thời tăng tỉ lệ hoàn trả khoản vay (Casuga và cộng sự, 2008; Miller và Jones, 2010). 
 
Các nghiên cứu gần đây về tài chính chuỗi giá trị nông nghiệp (Agricultural Value Chain Finance - AVCF) và Fintech cho thấy cách tiếp cận đa chiều, trong đó AVCF không còn là dòng chảy một chiều gắn với sự vận động của sản phẩm mà trở thành nền tảng kết nối dòng chảy sản phẩm với dòng chảy tài chính, rủi ro và công nghệ. Sự xuất hiện của Fintech cho phép quá trình này được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
 
Công nghệ là cần thiết để thiết lập dữ liệu minh bạch và giao dịch theo chuỗi để hỗ trợ các quy trình tài trợ cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Nền tảng Fintech cung cấp các sản phẩm và dịch vụ với trải nghiệm lấy khách hàng làm trung tâm hơn so với các phương pháp truyền thống (Nicoletti, 2017). Nền tảng Fintech có thể tăng tính minh bạch và bền vững để hỗ trợ các mục tiêu của tài trợ chuỗi giá trị nông nghiệp bằng cách hợp lí hóa quy trình tài chính từ các loại hình nhà đầu tư khác nhau. Nền tảng Fintech cũng có thể giải quyết vấn đề thông tin bất đối xứng, từ đó nhà đầu tư tổ chức có thể thu thập dữ liệu và thông tin của người vay chính xác hơn nhờ công nghệ tiên tiến trong phát triển Fintech như là trí tuệ nhân tạo, học máy và chuỗi khối. Thậm chí, một số tính năng có thể giúp giảm chi phí hoạt động trong giao dịch, chẳng hạn như tiền kĩ thuật số, ví di động và dịch vụ thanh toán (Lynn, Mooney, Rosati và Cummins, 2019).
 
Agri-Fintech kiến tạo sân chơi mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên của chuỗi giá trị nông nghiệp. Một câu hỏi đặt ra khi nghiên cứu AVCF là liệu có tồn tại một cơ chế hoạt động để tất cả các thành viên trong chuỗi đều tối đa hóa được lợi ích của mình? Mâu thuẫn nội tại trong chuỗi luôn luôn phát sinh tại bất kì tầng nào của chuỗi. Điển hình nhất là vấn đề đại diện phát sinh trong hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp nông nghiệp và hộ sản xuất. Doanh nghiệp kinh doanh muốn giảm thiểu lượng vốn lưu động, giảm thiểu tình trạng đứt gãy chuỗi, kiểm soát yếu tố đầu vào và chất lượng đầu ra của sản phẩm. Trái lại, hộ sản xuất muốn nhận được khoản thanh toán sớm để cải thiện dòng tiền, tăng tính thanh khoản, cắt giảm chi phí tài chính. Phần lớn các hộ sản xuất không có kiến thức về quản lí tài chính, dễ mất cân đối dòng tiền, phải sử dụng tín dụng phi chính thức để bù đắp. Trong bối cảnh này, triển khai Agri-Fintech đồng bộ trong chuỗi sẽ cho phép doanh nghiệp dễ dàng quản trị chuỗi, từ khâu đầu vào cho đến khâu phân phối, cải thiện tốc độ chu chuyển vốn lưu động, tăng tính ổn định và bền vững của chuỗi còn hộ sản xuất có cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính, thanh toán nhanh chóng, có thể sử dụng những dịch vụ tín dụng không cần tài sản bảo đảm (ICF, 2018). Các tổ chức tín dụng và công ty Fintech tăng được doanh thu và đa dạng giao dịch. Từ đó, giúp hình thành hệ sinh thái Agri-Fintech, hướng đến nền nông nghiệp có giá trị cao và đổi mới sáng tạo.
 
Thứ hai, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ
 
Agri-Fintech tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động tín dụng, cho phép các hộ sản xuất quy mô nhỏ tiếp cận tài chính mà không cần tài sản thế chấp. Hỗ trợ tạo ra cơ chế quản lí, phối hợp để buộc các tổ chức tài chính chia sẻ thông tin, đặc biệt là liên quan đến các khoản vay của chủ sở hữu nhỏ, ngay cả với các khoản vay phi chính thức. “Bậc thang tín dụng” được hình thành dưới sự hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức cho vay như: Tín dụng thương mại, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, ngân hàng... giúp những hộ nông dân, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng có thể sử dụng lịch sử tín dụng của họ như một phương tiện cho việc tiếp cận các khoản vay.
 
Các bên cho vay trong nông nghiệp có thể sử dụng Agri-Fintech để đơn giản hóa quy trình cho vay và tiếp cận người vay. Các mô hình truyền thống để phân tích dữ liệu người vay trong lĩnh vực nông nghiệp đã phát sinh rất nhiều hạn chế, khi nông nghiệp là một lĩnh vực có nhiều rủi ro. Các ứng dụng Agri-Fintech có thể giúp nông dân thu hẹp khoảng cách này bằng cách sử dụng các công cụ phân tích rủi ro và quản lí trang trại. Nhờ vậy, người nông dân có thể tiếp cận những người cho vay bằng các phương pháp bền vững hơn.
 
Thứ ba, Agri-Fintech hỗ trợ cơ chế phòng ngừa và phân tán rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp
 
Những tác động do yếu tố bất lợi về thời tiết gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và độ trễ thời gian kéo dài giữa đầu tư đầu vào và hiện thực hóa lợi nhuận là hai nhóm rủi ro chủ yếu của sản xuất nông nghiệp. Tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp đều phải đối mặt với rủi ro kinh doanh nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn rủi ro kinh doanh nông nghiệp mới được nhìn nhận từ góc độ người sản xuất và tổ chức tín dụng. Tại hầu hết các quốc gia, ngay kể cả tại OECD và Mỹ, chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ người nông dân khỏi rủi ro thời tiết và những chương trình này thường là trợ cấp. Tuy nhiên, Duru (2016) cho rằng những chính sách này cản trở sự phát triển của thị trường bảo hiểm tư nhân. Việc thiếu cơ chế phòng ngừa và phân tán rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp là do thiếu các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với đặc thù ngành cũng như thiếu minh bạch về thông tin. Để giải quyết vấn đề này, Agri-Fintech có thể giúp các hộ nông dân xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc liên quan đến thời tiết. Điều này ngày càng quan trọng khi nông nghiệp đang chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Nền tảng Agri-Fintech có thể giúp tăng cường áp dụng bảo hiểm chỉ số có sẵn khi tích hợp các đổi mới trong cơ sở hạ tầng dữ liệu để cải thiện mối tương quan giữa các khoản thanh toán bảo hiểm chỉ số với thiệt hại thực tế. Khi Fintech có thể được sử dụng để dự đoán rủi ro chính xác sẽ thu hút sự quan tâm của các công ty bảo hiểm.
 
Thị trường số cùng với Agri-Fintech cho phép nhiều giao dịch trong ngành nông nghiệp được diễn ra thông qua điện thoại thông minh bao gồm giao dịch trong đầu tư, mua sắm và thanh toán online. Hình thức kinh doanh nông nghiệp trước đây là B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) bởi vì thị trường bị phân mảnh, chuỗi cung ứng kém hiệu quả, người mua thường thay đổi người bán và giá trị của sản phẩm thường biến động (Bejani, 2000) thì nay là kết nối trực tiếp đa tầng. Thị trường số cùng với Agri-Fintech giảm bớt vai trò kiểm soát thông tin và nguồn tài chính của các thương lái/doanh nghiệp thương mại. Ngoài ra, công cụ gọi vốn cộng đồng cho phép hộ sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhà đầu tư, đồng thời nhà đầu tư có thể dễ dàng theo dõi khoản đầu tư của mình trên điện thoại thông minh. Nhờ vậy, Agri-Fintech góp phần đa dạng hóa nhà đầu tư và dễ dàng san sẻ rủi ro giữa các chủ thể tham gia chuỗi.
 
Thứ tư, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp
 
Agri-Fintech có thể cung cấp các dịch vụ khuyến nông dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông giúp người dân có quy mô sản xuất nhỏ nâng cao chất lượng, tăng thu nhập và đưa sản xuất vào chuỗi cung ứng có giá trị cao hơn. 
 
Đối với mô hình kinh doanh nông nghiệp truyền thống, nhà cung cấp hoặc chủ doanh nghiệp kiểm soát luồng hàng hóa và việc định giá sản phẩm. Tuy nhiên, Agri-Fintech sẽ thay đổi quy trình kinh doanh bằng việc cho phép tất cả các tác nhân có thể truy cập trực tiếp vào giao dịch và trao đổi thông tin. Ví dụ, người mua có thể thực hiện giao dịch trực tiếp với người bán bằng cách chọn từ ứng dụng của họ và trả tiền cho nông dân thông qua tài khoản thanh toán. 
 
Các hệ thống thương mại được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông cung cấp cho các hộ sản xuất quy mô nhỏ quyền truy cập vào thông tin giá cả và tiếp cận thị trường rộng hơn. Đây là bài toán tại các quốc gia đang phát triển, khi các hộ sản xuất quy mô nhỏ thường gặp khó khăn trong quyết định đầu tư vào cải thiện năng suất bởi tình trạng “được mùa mất giá”. Với Agri-Fintech, hầu hết nông dân có thể tiếp cận thị trường dễ dàng và trực tiếp thông qua việc tùy chọn bán hàng hóa của mình và nhận thanh toán trực tiếp từ điện thoại di động hoặc máy tính xách tay. Fintech đã thu hẹp khoảng cách giữa nông dân, nhà bán lẻ và nhà sản xuất. 
 

 
Agri-Fintech cũng tạo ra các phương thức và hệ thống thanh toán hiệu quả hơn cho nông dân. Khó khăn trong thanh toán là một vấn đề lớn đối với nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nền tảng Agri-Fintech sử dụng cơ sở hạ tầng tiền di động thay vì tiền mặt để vận hành các nhà cung cấp đầu vào và đầu ra, thanh toán G2P (thanh toán từ Chính phủ tới người dân), dịch vụ tài chính ngân hàng và hệ thống thanh toán nông nghiệp. Ngân hàng Thế giới đã khẳng định rằng, một số lợi ích ngoài khả năng tiếp cận tài chính của nông dân có thể đến từ việc số hóa các khoản thanh toán nông nghiệp cho nông dân.
 
Agri-Fintech là một nền tảng rất hữu ích để thực hiện các giao dịch kinh doanh trong nông nghiệp vì có thể được thực hiện thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này được kì vọng sẽ thu hút tất cả các tác nhân trong kinh doanh nông nghiệp, thực hiện các giao dịch kinh doanh một cách minh bạch và thuận tiện với các dịch vụ được cá nhân hóa. 
 
3. Tiềm năng phát triển Agri-Fintech tại Việt Nam
 
Tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển đồng đều giữa các vùng, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Điều này hạn chế khả năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Phần lớn các hộ nông dân chưa nhận thức được đầy đủ về rủi ro và giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa quen với phương thức giao dịch không dùng tiền mặt cũng như khi sử dụng dịch vụ tài chính phi chính thức... Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ của một số người dân chưa tốt. Việc sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các dịch vụ tài chính đối với nông dân, người có thu nhập thấp còn hạn chế. Điều này, làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cũng như đẩy chi phí của việc tiếp cận dịch vụ lên cao. 
 
So với nước khác trong khu vực, mạng lưới phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp dẫn tới hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ, sản phẩm tài chính của khu vực dân cư, nhất là khu vực ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khu vực nông thôn - khu vực đầy tiềm năng ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam cho phát triển dịch vụ Fintech nhưng lại đang bỏ ngỏ, trong khi các sản phẩm dịch vụ tài chính chỉ mới được cung cấp khá đa dạng ở khu vực thành thị (Nguyễn Thanh Phương, 2021).
 
Cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả nên thường gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản là nhỏ lẻ nhưng chi phí hoạt động tín dụng khá cao. Vấn đề này sẽ được góp phần giải quyết với sự ra đời và vận hành hiệu quả của các nền tảng Agri-Fintech. Như vậy, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, khu vực nông thôn được coi là mảnh đất tiềm năng cho phát triển dịch vụ Agri-Fintech. Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính cho khu vực này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
 
Năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng Internet trên cả nước. Xét ở khu vực Đông Nam Á, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam tính đến hết năm 2023 chỉ kém Indonesia - quốc gia có dân số đông nhất khu vực và lớn hơn tất cả quốc gia khác. Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tỉ lệ người trẻ đang chiếm ưu thế tại một quốc gia dân số đông như Việt Nam sẽ tạo ra một lượng cầu tiềm năng rất lớn đối với lĩnh vực Fintech. 
 
Nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Dự báo đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam có thể trở thành một thị trường có sức hấp dẫn rất lớn đối với các sản phẩm Fintech. Việc sử dụng tiền mặt của người dân tại Việt Nam vẫn còn khá cao nên trong thời gian tới, vẫn còn nhiều cơ hội khai thác tiềm năng cho thị trường Fintech nói chung và Agri-Fintech nói riêng.
 
4. Một số khuyến nghị phát triển hoạt động tài trợ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam thông qua các nền tảng Agri-Fintech
 
Việt Nam có đủ cơ sở và tiềm năng để phát triển các nền tảng Agri-Fintech, tuy nhiên cần phải quan tâm thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:
 
Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lí cho việc phát triển Agri-Fintech
 
Chính phủ cần sớm hoàn thiện và chính thức ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng cũng như các quy định cụ thể cho các định chế phi ngân hàng liên quan nhằm hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công nghệ mới và thúc đẩy hợp tác giữa các công ty Fintech với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và hệ thống ngân hàng, qua đó thúc đẩy phát triển các nền tảng Agri-Fintech.
 
Hai là, đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị hiện đại trong nông nghiệp

Một trong những vấn đề cần giải quyết là nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tài chính chính thức của các hộ nông dân sản xuất có quy mô nhỏ ở nông thôn. Các tổ chức tài chính không muốn tham gia vào thị trường này vì quan điểm của họ cho rằng tài chính nông nghiệp không mang lại lợi nhuận, tỉ lệ trả nợ thấp và rủi ro cho vay cao hơn (Chen, Joshi, Cheng và Birthal., 2015). Do đó, phương pháp tài trợ chuỗi giá trị là nền tảng để thu hút nhiều bên liên quan hơn hình thành quan hệ đối tác. Tài trợ chuỗi giá trị thường đòi hỏi các tổ chức tài chính phải có sự chủ động để kết nối tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị về các hoạt động tài chính, chẳng hạn như phân tích khoản vay của từng hộ nông dân, quản lí và giám sát; định hướng chuyển đổi các chuỗi cung ứng truyền thống sang chuỗi giá trị hiện đại. Hầu hết ở thị trường nông thôn hiện nay, với chuỗi giá trị truyền thống, việc sản xuất, kinh doanh nông nghiệp bị chi phối chủ yếu bởi các nhà cung cấp, doanh nghiệp thu mua. Ngược lại, chuỗi giá trị hiện đại được thúc đẩy bởi thị trường với thông tin đầy đủ và minh bạch, ít trung gian thị trường hơn. Sự phát triển của các chuỗi giá trị hiện đại là cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển các nền tảng Agri-Fintech.
 
Ba là, xây dựng các trung tâm kĩ thuật số và xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp

Các trung tâm kĩ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nền tảng Agri-Fintech. Trung tâm kĩ thuật số thu thập và gắn kết dữ liệu của các bên tham gia và bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp, tích hợp và lập bản đồ tất cả các tác nhân trong lĩnh vực nông nghiệp được quản lí bởi nền tảng Agri-Fintech nhằm đảm bảo dữ liệu đầu vào, quy trình canh tác và thu tài trợ diễn ra suôn sẻ. Trên cơ sở nguồn dữ liệu được thu thập và phân loại, có thể phát triển một số ứng dụng cho từng tác nhân trong chuỗi giá trị được nền tảng phục vụ. Giao dịch dữ liệu giữa các nhà cung cấp đầu vào, nông dân và bên bao tiêu sẽ được tích hợp vào một nền tảng chung để xử lí dưới dạng thông tin tập thể nhằm tạo ra thông tin sâu sắc và được chia sẻ cho tất cả các bên. Các ngân hàng cần trợ giúp để tích hợp các giải pháp công nghệ của các nền tảng Agri-Fintech vào hệ thống của ngân hàng liên quan đến phê duyệt, xử lí, giải ngân và thu nợ khoản vay.
 
Số hóa và xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu cho chuỗi giá trị nông nghiệp, cụ thể như:
 
- Thay đổi thói quen ghi chép nhật kí canh tác và nhật kí chăn nuôi của nông dân trên giấy rồi số hóa trên thiết bị điện tử bằng cách tập huấn, hướng dẫn nông dân tham gia mô hình ghi nhật kí sản xuất.
 
- Các cơ quan quản lí tại địa phương, các tác nhân trong chuỗi cần thống kê chi tiết các dữ liệu quan trọng liên quan đến phạm vi quản lí của mình như: Xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó tập trung vào đất trồng lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp, đất rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tăng cường việc cung cấp thông tin về môi trường, đất đai, thời tiết để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Thiết kế phần mềm quản trị dữ liệu và phân công cá nhân, tổ chức ở địa phương sử dụng phần mềm để thu thập, cập nhật, khai thác, quản lí và bảo quản cơ sở dữ liệu.
 
- Tạo cơ chế hình thành và quản lí tài sản bảo đảm của hộ nông dân trên nền tảng số hóa. Số hóa sổ đỏ và các hồ sơ tài chính có thể giúp đảm bảo các ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả hơn trong khi tạo điều kiện cho luồng thông tin và tài chính giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, tài sản bảo đảm của hộ nông dân trong chuỗi khi tham gia vay vốn rất đa dạng, bao gồm: Quyền sử dụng đất, các hợp đồng liên kết, tiết kiệm, bảo hiểm... Các loại hình tài sản bảo đảm này nên được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi với người cho vay trong việc tiếp cận, thẩm định và quản lí. Hơn thế nữa, những thông tin này nên được công khai nhằm tạo điều kiện cho sự quản lí, giám sát của các bên liên quan.
 
Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực
 
Yếu tố con người là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường Fintech. Việc phát triển Agri-Fintech đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn cao, nắm vững về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain... Ngoài ra, Agri-Fintech là lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp nên đội ngũ nhân lực xây dựng và vận hành nền tảng phải có sự am hiểu về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. 
 
Năm là, thu hút và nâng cao nhận thức của khách hàng 
 
Thu hút khách hàng tham gia vào thị trường Fintech có thể được thực hiện thông qua việc tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia vào thị trường này. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng, hệ thống ngân hàng lõi cũng như các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng để đảm bảo hoạt động được diễn ra liên tục, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho khách hàng trước các rủi ro. 
 
Do đặc thù về trình độ công nghệ, hiểu biết về tài chính của các khách hàng tham gia nền tảng Agri-Fintech, đặc biệt là các hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ còn hạn chế, nên cần đẩy mạnh phổ cập kiến thức về Agri-Fintech giúp khách hàng nhận biết được những lợi ích mà Agri-Fintech mang lại cũng như những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi tham gia. Để có thể phát huy hiệu quả của các nền tảng Agri-Fintech thì khả năng hiểu biết, vận hành từ phía người nông dân là vô cùng quan trọng. Các nền tảng, giải pháp phải xoay quanh người nông dân. Vấn đề này phải bắt đầu từ việc triển khai các hoạt động giáo dục tài chính cá nhân như:
 
- Cần đặt ra lộ trình giáo dục tài chính để thay đổi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, thói quen sử dụng tiền mặt, tập huấn để người dân hiểu, nắm bắt về sự hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị cũng như sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số. Ở đó, đích đến của truyền thông và giáo dục là cần làm cho bà con nông dân thấy rõ việc sản xuất, kinh doanh hiện nay muốn hiệu quả, bền vững, thì cần tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp theo quy chuẩn, hiện đại.
 
- Thúc đẩy sự phát triển các kĩ năng kinh doanh của các nhóm nông dân, đặc biệt là ở các khu vực có tiềm năng cao. Điều này có thể bao gồm cả việc xây dựng các quy tắc kinh doanh để tạo điều kiện thúc đẩy hiệu quả hoạt động của chuỗi. Nếu nông dân hoặc nhóm nông dân có nhiều kĩ năng kinh doanh hơn thì họ sẽ góp phần phát triển chuỗi giá trị tốt hơn, từ đó gia tăng hiệu quả của các nền tảng Agri-Fintech.
 
5. Kết luận
 
Đáp ứng nhu cầu tài trợ tài chính và quản lí rủi ro là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó Agri-Fintech là cách tiếp cận sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Tiềm năng phát triển các nền tảng Agri-Fintech ở Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, tuy nhiên cần phải có sự nghiên cứu, định hướng để xây dựng được những nền tảng Agri-Fintech phù hợp với đặc thù của nền nông nghiệp Việt Nam, cũng như trình độ tiếp cận của các tác nhân tham gia nền tảng.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Sreekanth Reddy Pothula (2023), “Review and analysis of FinTech approaches for smart agriculture in one place”, Journal of Agriculture Science & Technology, 22 (1) 2023, pages 60-69, https://www.ajol.info/index.php/jagst/article/view/242115
2. R. Gratiyana Ningrat, Mohamad Soleh Nurzaman (2019), “Developing Fintech anh Islamic finance products in agricultural value chain”, Journal of Islamic Monetary Economics and Finance, Vol. 5, No.3 (2019), pages 491-516, https://jimf-bi.org/index.php/JIMF/article/view/1077/773
3. Sreekanth Reddy Pothula (2022), “The Role of Finance in Navigating Agriculture through Agri-Fintech”, https://www.techrxiv.org/users/687118/articles/680042-the-role-of-finance-in-navigating-agriculture-through-agri-fintech
4. Tran Thanh Thu, Luu Huu Duc (2020), “Fintech & Agricultural value chain finance - Potential anh challenges”, International conference for young researchers in economics & Business 2020, ICYREB 2020.
5. https://thitruongtaichinhtiente.vn/day-manh-phat-trien-dich-vu-tai-chinh-khu-vuc-nong-thon-37907.html
6. https://tapchinganhang.gov.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-cong-nghe-tai-chinh-tai-viet-nam.htm

TS. Trần Thanh Long 
Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên