Làm rõ sự chênh lệch suất đầu tư tại Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, với tổng mức đầu tư dự kiến 35.940 tỷ đồng, đang thu hút sự chú ý khi suất đầu tư giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn Bình Định và Gia Lai có sự chênh lệch lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Công văn 9505/BKHĐT – PTHTĐT gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc tham gia ý kiến phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Cụ thể, Bộ GTVT được đề nghị phối hợp cùng hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, để làm rõ các yếu tố về chi phí và tính khả thi của dự án trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.
Theo Bộ KH&ĐT, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được xác định có chiều dài 180 km, quy mô 4 làn xe, với điểm đầu tại cảng Nhơn Hội (Bình Định) và điểm cuối tại TP. Pleiku (Gia Lai). Dự án dự kiến triển khai sau năm 2030.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cùng các địa phương đã đề xuất rút ngắn chiều dài xuống 123 km, thay đổi điểm đầu tại thị xã An Nhơn (Bình Định) và đẩy tiến độ đầu tư trước năm 2030. Những thay đổi này được đánh giá là chưa phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và đòi hỏi phải làm rõ cơ sở pháp lý cũng như tính cấp thiết.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hiện tại ước tính đạt 292 tỷ đồng/km, cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc tương tự trong khu vực |
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án hiện tại ước tính đạt 292 tỷ đồng/km, cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc tương tự trong khu vực. Ví dụ, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (117,5 km) có suất đầu tư chỉ 187 tỷ đồng/km, tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành (128,8 km) là 198 tỷ đồng/km.
Đặc biệt, suất đầu tư giữa hai đoạn tuyến trên địa bàn Bình Định và Gia Lai có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, đoạn qua Bình Định dài 57,6 km có suất đầu tư trung bình 317 tỷ đồng/km, trong khi đoạn qua Gia Lai dài 85,6 km chỉ đạt 226 tỷ đồng/km.
Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương giải trình về sự chênh lệch này và so sánh với các dự án tương tự để đảm bảo minh bạch trong quá trình đầu tư.
Về phương thức đầu tư, UBND liên tỉnh Gia Lai và Bình Định cho rằng dự án khó khả thi khi thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo phân tích sơ bộ, mức vốn nhà nước hỗ trợ để dự án đạt hiệu quả tài chính dao động từ 76% đến 88% tổng mức đầu tư, vượt xa giới hạn 50% theo quy định của Luật PPP.
Bộ KH&ĐT nhận định cần có phân tích chi tiết hơn về các yếu tố đầu vào và đầu ra của dự án, đồng thời thống nhất số liệu giữa Bộ GTVT và hai địa phương.
Trong trường hợp không thể huy động vốn qua PPP, phương án đầu tư công cần được xem xét, với điều kiện đảm bảo khả năng cân đối ngân sách nhà nước và giảm áp lực lên ngân sách trung ương. Phương án phân cấp cho từng địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương cũng được đưa ra như một giải pháp giảm tải.
Bộ KHĐT nhấn mạnh, việc làm rõ thông tin và thống nhất giữa các bên là yếu tố then chốt để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư. Quyết định cuối cùng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời cân đối hiệu quả nguồn vốn và lợi ích kinh tế-xã hội của dự án.
Kiều Linh